Real estate Projects a professional law firm tu van dau tu Bank finance Dispute Resolution
Luật Việt Kim: 0432.899.888

Mang thai hộ và một số vấn đề pháp lý

Mang thai hộ và một số vấn đề pháp lý

 

Cùng với sự phát triển của nền y tế và pháp luật tiến bộ trên thế giới. Tại Việt Nam Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã trở thành hợp pháp. Đây là một tin vui đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có khả năng sinh con, dù đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con

Qui định của pháp luật hiện hành về mang thai hộ

Vấn đề về mang thai hộ đã được luật hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2014 qui định cụ thể về từng vấn đề:

1. Việc  Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

3. Việc Thỏa thuận giữa hai bên về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

4. Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

5. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

6. Vấn đề về Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

7. Vấn đề pháp luật Xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ

Tuy nhiên pháp luật cấm trường hợp:

Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

Trong đó: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Tính đạo đức của mang thai hộ

Hiện nay tỷ lệ vô sinh của nước ta khá cao: 7,7% tương đương với 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Đây là số liệu nghiên cứu trên toàn quốc do bện viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi). Vì vậy việc cho phép sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai hộ là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý:

1. Bệnh nhân không có tử cung nhưng vẫn có một hoặc cả hai buồng trứng hoạt động bình thường: Phụ nữ đã bị cắt bỏ tử cung nhưng vẫn giữ lại buồng trứng.

2. Những phụ nữ bị sảy thai lặp đi lặp lại và khó có thể mang thai. Người phụ nữ đã nhiều lần điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, có thai nhưng không thể mang thai cho đến khi đẻ ra trẻ có khả năng sống cũng có thể được xem xét.

3. Những người phụ nữ có thể mang thai, nuôi dưỡng thai nhi phát triển nhưng quá trình mang thai ảnh hưởng đến sức khoẻ của chính mình: suy tim, suy gan, suy thận.

Những trường hợp này hoặc không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ. Trường  hợp vì nhu cầu của công việc hoặc lý do xã hội không được coi là hợp lý để áp dụng biện pháp mang thai hộ.

“Mang thai hộ” trong Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp sau khi lấy noãn của người vợ (vì lý do sức khỏe mà không thể mang thai) và tinh trùng của người chồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau chuyển thành phôi thì sẽ chuyển phôi vào tử cung của người phụ nữ khác. Người phụ nữ nhận mang thai hộ có quan hệ họ hàng, cùng huyết thống nhưng không vì mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp này, tử cung của người phụ nữ mang thai hộ giống như một môi trường sống tốt nhất - một ngôi nhà cho một đứa trẻ.

Cho phép “mang thai hộ” đối với một số đối tượng có chỉ định để bảo đảm quyền làm mẹ chính đáng của mọi phụ nữ và người mang thai hộ không vì mục đích lợi nhuận. Mang thai hộ là một thành tựu của y học, có thể nói là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ được trở thành hiện thực. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là một sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ. Việc mang thai và sinh nở cũng là việc làm có ý nghĩa nhằm duy trì nòi giống, gắn kết và giữ gìn hạnh phúc mỗi gia đình, bởi vì con cái là động lực để cha mẹ chúng làm việc tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn, góp phần vào sự ổn định, phồn vinh của xã hội.

Những vấn đề có thể phát sinh khi cho phép mang thai hộ tại Việt Nam

Việc mang thai hộ đi vào đời sống mang lại kết quả tốt, nhiều hạnh phúc cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên việc cho phép mang thai hộ nếu không được qui định chặt chẽ thì có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra:

1. Luật Hôn nhân và gia đình quy định chỉ cho phép những người có quan hệ thân thích cùng hàng với cặp vợ chồng nhờ mang thai được phép mang thai hộ. Tuy nhiên như vậy sẽ rất hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ và tạo ra sự bất bình đẳng cho các trường hợp không có người thân thích cùng hàng. Dẫn đến tình trạng lách luật “đẻ thuê”.

2. Các bác sĩ và nhân viên của các Trung tâm hỗ trợ sinh sản có thể là những người “tiếp tay” để thực hiện mang thai hộ với một số đối tượng không đủ điều kiện. Điều này có thể làm mất giá trị nhân đạo của kỹ thuật này và gây hậu quả xấu cho xã hội.

3. Có thể có người mang thai hộ trong quá trình mang thai sẽ nảy sinh tình cảm và yêu quý đứa trẻ, sau khi sinh con thì giấu không muốn trao con cho cha mẹ nhờ mang thai hộ hoặc đến thời điểm giao đứa trẻ nhưng không giao con. Việc này có thể ra gây ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đứa trẻ.

4. Mang thai hộ không nhằm mục đích thương mại nhưng có thể sẽ là một lý do để sau khi mang thai người mang thai hộ đòi hỏi tiền hoặc lợi ích vật chất từ người nhờ mang thai hộ.

5. Có thể sẽ có trường hợp người vợ bị người chồng hoặc họ hàng nhà chồng ép buộc mang thai hộ hoặc trường hợp người vợ mang thai hộ mà người chồng không biết. Điều này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn và phát triển của đứa trẻ cũng như quan hệ tình cảm, đạo đức của các bên liên quan.

6. Trường hợp đứa trẻ sinh ra thì cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ ly hôn, không ai muốn nhận đứa trẻ. Như vậy, đứa trẻ bị đặt trong tình trạng không ai muốn nuôi dưỡng và có nhiều khả năng bị bỏ rơi.

Dù có thể phát sinh nhiều nguy cơ, nhưng không thể phủ nhận được ý nghĩa nhân đạo của việc mang thai hộ. Mang thai hộ giúp các cặp vợ chồng có vấn đề về sức khỏe có khả năng có con. Về mặt pháp luật, cho phép mang thai hộ sẽ hạn chế tình trạng đẻ thuê, buôn bán trẻ em. Để tránh hiện tượng lạm dụng đi ngược lại bản chất của mang thai hộ và quan trọng nhất là tránh những tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ này pháp luật cần phải điều chỉnh quan hệ này một cách kịp thời và cụ thể.