Gọi anh trai đến chém người thì bị xử như thế nào?
CÂU HỎI:
Em có 1 thằng bạn, cách đây vài hôm nó gây sự với người ta. Xong rồi gọi anh nó đến, lúc anh nó đến thì có chém người kia 4 nhát. Nặng nhất là 1 nhát đứt gân tay. thương tật khoảng 17% . Nhưng bạn em không hề chém người kia.
Nhà bạn em cũng đã đền bù cho lần phẫu thuật đầu tiên. nhưng lần thứ 2 thì nhà bạn em không có tiền để đền bù.
Như vậy thì bạn em là chủ mưu chứ không tham gia vào chém người đó. Gia đình bị hại cũng đã khai với công an là không phải bạn em chém. Vậy khung hình phạt cho tội chủ mưu của bạn em như thế nào. Em mong nhận được sự tư vấn.
rynhamgai, danluat.thuvienphapluat.vn 04.2015
LUẬT SƯ TRẢ LỜI:
Về vấn đề của bạn rynhamgai, tôi xin góp ý như sau:
Trong trường hợp này, bạn của bạn là người chủ mưu và người thực hiện hành vi chém (gây thương tích) đều là đồng phạm trong vụ án này nếu bị khởi tố.
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Bộ Luật Hình Sự
“Điều 20. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
Vì vậy, cả hai người đều phải chịu trách nhiệm hình sự đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo điều 104 BLHS
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, bạn của bạn có thể sẽ phải đối mặt với mức án quy định tại Khoản 2 Điều 104 BLHS (dùng hung khí nguy hiểm, gây thương tích 17%) bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm
Bạn của bạn đã bồi thường cho người bị hại nên trong trường hợp này đã có một tình tiết giảm nhẹ có lợi theo Điểm b Khoản 1 Điều 46 BLHS
Bởi thông tin bạn cung cấp khá sơ bộ, nên để có câu trả lời chính xác, bạn nên liên hệ trực tiếp với Luật sư để có những tư vấn chi tiết hơn.
----------------------
Một vài trao đổi / chúc bạn thành công.
Trân trọng!
Phòng Tư vấn Luật – CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
Phụ trách giải đáp: 0914.217.708 - Email: hoangnv.luatsu@gmail.com