Vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình xét xử của cơ quan Tòa án và Viện Kiểm sát.
Trong quá trình hành nghề, Luật sư chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp mà Toà án và Viện kiểm sát vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nhất là trong lĩnh vực hình sự. Để làm rõ hơn về vấn đề này Công ty Luật Việt Kim phân tích, làm rõ bài viết:
Có thể nói việc xét xử của tòa án phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và hiến pháp là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp ở nước ta nói chung, trong đó có tư pháp Hình sự. Tuy nhiên, những quy định này có thực sự đảm bảo không vi phạm tố tụng hay không. Dưới góc nhìn thực tiễn là những người hành nghề luật, chúng tôi nêu ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của hệ thống tòa án.
Thứ nhất: Vi phạm nguyên tắc “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 điều 102 và khoản 2 điều 103 Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) đã khẳng định: Tòa án - với chức năng xét xử - là cơ quan thực hiện quyền tư pháp
Như vậy, hoạt động xét xử của Tòa án là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực tư pháp. Kết quả xét xử thể hiện nền công lý, sự đối xử bình đẳng, công bằng trong tất cả các mối quan hệ và cũng là thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp. Xuất phát từ bản chất của hoạt động tư pháp mà Tòa án là trung tâm của việc thực hiện và xét xử là hoạt động trọng tâm, đòi hỏi việc xét xử phải bảo đảm tính độc lập. Chính vì vậy, nguyên tắc độc lập xét xử được coi là tiền đề nền tảng của hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quan trọng cho việc xét xử được bình đẳng, dân chủ, khách quan.
Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”
Đây là vấn đề hiện đang có những quan điểm, nhận thức khác nhau. Theo chúng tôi, độc lập xét xử phải được hiểu với nghĩa là khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm (nói đúng hơn là từng Thẩm phán và Hội thẩm trong Hội đồng xét xử) chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật, căn cứ vào các chứng cứ hợp pháp để xét xử và tuyên bản án trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của Hội đồng xét xử để ép họ phải xét xử vụ án theo ý chủ quan của mình. Mọi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án và đều bị coi là bất hợp pháp. Tuy nhiên trong hoạt động xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, của bất kỳ ai và phải nắm bắt dư luận xã hội, nhưng khi quyết định, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét mọi vấn đề một cách độc lập, không được để cho ý kiến bên ngoài làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án.
Tuy nhiên, đó là về mặt lý luận còn về mặt thực tiễn thì điều đó lại hoàn toàn trái ngược bởi vì thực tiễn các vụ án xét xử hiện nay các hội thẩm nhân dân chỉ là hình thức hóa cho Bộ luật tố tụng hình sự. Tức là Hội thẩm nhân dân không có vai trò gì trong đường lối, phương hướng cũng như quyết định của bản án. Bởi lẽ, những hội thẩm này được Tòa án mời tham gia xét xử cho đầy đủ thủ tục. Họ không được nghiên cứu hồ sơ, mà chỉ xét hỏi trên quy định đã có sẵn. Tính độc lập của họ không có, thậm chí không có quyền hành gì. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự cũng như Hiến pháp quy định rất rõ vai trò của Hội thẩm nhân dân. Đây chính là sự vi phạm tính độc lập trong việc xét xử giữa thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
Qua những vụ án tham gia tại Tòa án các Quận, huyện với tư cách là những Luật sư bào chữa, chúng tôi nhận thấy trừ những vụ án nhỏ, đơn lẻ còn lại những vụ án lớn ảnh hưởng đến đời sống xã hội quần chúng cũng như chính trị thì đều có sự chỉ đạo của cấp trên. Có khi còn có sự kết hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát để buộc tội mặc dù bị cáo không có tội hoặc cùng nhau chạy tội cho bị cáo. Vai trò của Luật sư chúng tôi không được đề cao và nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện. Có những vụ án tại phiên tòa chúng tôi lập luận, chứng minh thân chủ của mình không phạm tội. Còn đại điện viện kiểm sát không đối đáp lại được những quan điểm của Luật sư và cuối cùng Tòa vẫn tuyên bị cáo phạm tội.
Thứ hai: Vi phạm về thủ tục tố tụng nghiêm trọng.
Thế nào là vi phạm tố tụng nghiêm trọng? Theo mục 4.4 Phần I Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có quy định: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành thủ tục đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện”.
Đồng thời theo quy định tại thông tư số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC: “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Và có 15 trường hợp quy định về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trong các vi phạm tố tụng của HĐXX, có những vi phạm chỉ cần căn cứ vào quy định của BLTTHS cũng biết là nghiêm trọng. Ví dụ, thẩm phán tham gia HĐXX là người theo quy định phải từ chối hoặc bị thay đổi. Cũng có những vi phạm phải qua đánh giá mới xác định có nghiêm trọng hay không. Ví dụ, người làm chứng vắng mặt mà sự vắng mặt của họ sẽ trở ngại cho việc xác định sự thật của vụ án thì việc xét xử vắng mặt người làm chứng là vi phạm nghiêm trọng. Còn sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án thì vi phạm đó không phải là nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất dễ dẫn đến tùy tiện, người này nói nghiêm trọng nhưng người khác nói chưa. Theo quy định của BLTTHS, tòa án cấp phúc thẩm chỉ có quyền hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong trường hợp khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Như vậy, những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra và VKS có phải là căn cứ để tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm không cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Nếu điều tra không đầy đủ không phải là vi phạm nghiêm trọng tố tụng thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ có quyền hủy án sơ thẩm đối với các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của tòa án cấp sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Còn các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra nếu tòa án cấp phúc thẩm phát hiện khi xét xử phúc thẩm thì chỉ có thể kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét chứ không có quyền hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Đây là vấn đề rất cần có sự giải thích, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Hoặc có sự nhầm lẫn giữa tư cách tham gia tố tụng của người bị hại, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi liên quan đến vụ án khi họ đều là cá nhân
Khi nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức thì tư cách của họ có thể dễ dàng phân biệt với người bị hại, người có quyền lợi liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, khi họ là cá nhân thì việc xác định rõ tư cách của từng đối tượng không dễ. Chẳng hạn, với vụ án Huyền Như trong thời gian qua khi xác định tư cách tham gia tố tụng thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tòa án xác định một số nguyên đơn dân sự như Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Thế nhưng việc xác định tư cách này đã bị các Luật sư bác bỏ. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Navibank, ACB… đã đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại tư cách nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án bởi vì Navibank chưa bao giờ cho rằng bà Huyền Như chiếm đoạt tài sản của mình. Số tiền hơn 200 tỉ đồng của Navibank được cáo trạng xác định do bà Huyền Như chiếm đoạt thực chất là số tiền mà Navibank gửi vào tài khoản ở VietinBank nên VietinBank phải chịu trách nhiệm. Tương tự, luật sư của ACB cũng cho rằng số tiền hơn 718 tỉ đồng của ACB “bị mất” trong vụ án này được gửi vào VietinBank, sau đó Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối rút số tiền này từ VietinBank. “Nếu xác định ACB là nguyên đơn dân sự trong vụ án này thì Vietinbank phải là bị đơn dân sự mới hợp lý”.
Chúng tôi cho rằng, để xác định ACB cũng như NaviBank có phải là nguyên đơn dân sự hay không thì phải phân tích dựa trên các yếu tố sau:
Ví dụ đối với ngân hàng ACB: Thứ nhất là ACB khẳng định chưa có thiệt hại với khoản 687 tỷ đồng qua các công văn có trong hồ sơ. Về khoản 718 tỷ đồng, ACB đang khởi kiện yêu cầu Vietinbank hoàn trả, cho nên chưa thể khẳng định ACB bị thiệt hại. ACB nhiều lần khẳng định nhiều lần trong hồ sơ cũng như tại phiên tòa rằng không bị thiệt hại.
Thứ hai, ACB cũng không có văn bản nào yêu cầu các bị đơn là các bị cáo, các cá nhân trong vụ án hay vụ án khác có liên quan bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, tư cách nguyên đơn đối với pháp nhân. Tư cách bị đơn thì pháp luật quy định có nghĩa vụ phải là bị đơn, không thể trốn tránh. Nhưng với nguyên đơn thì có phải là nguyên đơn hay không hoàn toàn do ý chí, nguyện vọng của pháp nhân với 2 điều kiện là phải có thiệt hại và phải có đơn yêu cầu bồi thường. Điều này được quy định rất rõ tại Bộ luật hình sự.
Nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự là các phạm trù tất yếu của một vấn đề trong một vụ án, như ngày đêm, sáng tối, trắng đen rất rõ…. Nếu không có bị đơn dân sự thì cũng không thể có nguyên đơn dân sự. Đặc biệt đối với khoản tiền 718 tỷ đồng trong vụ án này, chỉ có nguyên đơn dân sự ACB nếu như có VietinBank là bị đơn dân sự.
ACB không có cả hai điều kiện cần và đủ nói trên thì họ không thừa nhận mình là người bị hại và không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Nhà nước, pháp luật không thể bắt ACB cứ phải ngồi vào ghế của nguyên đơn dân sự- một cái ghế của người bị hại mà không có thiệt hại, không có yêu cầu. Đó là quyền chứ không phải nghĩa vụ.
Như vậy có thể thấy việc xác định đúng tư cách của các chủ thể khi tham gia tố tụng là điều mà Tòa án, viện kiểm sát thường vấp phải. Điều đó dẫn đến vi phạm tố tụng, khiến cho bản án bị hủy hoặc phải điều tra, xét xử lại từ đầu làm cho vụ án kéo dài mới được giải quyết.
Trên đây, là một số quan điểm của chúng tôi về vấn đề vi phạm tố tụng của Viện kiểm sát, Tòa án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia tố tụng, chúng tôi thiết nghĩ phải quy định chặt chẽ hơn trong Bộ luật tố tụng hình sự sắp được sửa đổi và trách nhiệm của các cơ quan ban nghành quy định rõ ràng, không được mập mờ có như vậy thì mới đảm bảo cơ quan nhà nước không lạm quyền vi phạm tố tụng.