Phân tích Hành vi bắt trói kẻ trộm bị khởi tố
Như Báo điện tử thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã đưa tin vụ “Bắt trói kẻ trộm, bị khởi tố”. Trên cơ sở những thông tin mà Báo chí đã đưa tin và Dưới góc nhìn lý luận và thực tiễn của những người hành nghề Luật. Tôi có vài ý kiến, phân tích Hành vi bắt trói kẻ trộm của anh Nguyễn Văn Trình – người bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre khởi tố tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” có cấu thành tội phạm hay không?.
Thứ nhất: Thế nào là hành vi bắt người trái pháp luật
Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người không thuộc các trường hợp luật cho phép bắt hoặc không có thẩm quyền bắt. Đây là trường hợp bắt người không phải phạm tội quả tang, đang bị đuổi bắt, đang có lệnh truy nã hoặc không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hình thức bắt có thể là trói, cùm hoặc đe doạ dùng vũ lực buộc người bị bắt phải đến nơi của người bắt.
Như vậy, hành vi bắt người trái pháp luật là những hành vi thuộc các trường hợp pháp luật không cho phép hoặc không có thẩm quyền bắt. Xét về nội dung cũng như lời khai trong vụ án thì trong trường hợp này anh Trình bắt quả tang kẻ trộm đang có những hành vi tiến hành trộm tài sản của gia đình. Đây là thuộc trường hợp bắt người quả tang. Bởi vì theo Điều 82 Bộ Luật tố tụng hình sự: “Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã” quy định như sau:
Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trong trường hợp này quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chợ Lách vin vào cớ hành vi bắt, giữ người của cha con anh Trình "không” thông báo và giải ngay đến cơ quan công an địa phương mà mãi đến sáng mới trình cơ quan điều tra nên cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật. Và điều tréo ngoe và trớ trêu, thay vì tên trộm bị giải quyết thì chính anh Trình và người cha đã mất bị khởi tố về tôi trạng trên.
Vậy xét về không gian, thời gian và hoàn cảnh của địa điểm nơi xảy ra hành vi thực hiện bắt người của anh trình và người cha thì có phải do yếu tố chủ quan, khách quan nên anh không thể tiến hành giải ngay đến cơ quan công an như quy định của điều luật hay không?
Thời điểm mà anh Trình cùng người cha quá cố của mình bắt tên trộm là vào khoảng 1h sáng. Đó là lúc mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ, không có một cơ quan nào làm việc vào thời gian này vậy thì làm sao anh Trình có thể dẫn giải cũng như thông báo ngay đến cơ quan có thẩm. Việc cơ quan điểu tra, hiểu một cách máy móc, lập luận theo kiểu tư duy câu chữ như quy định tại khoản 2 điều 82 BLTTDS là không đúng, không phù hợp với toàn bộ nội dung vụ việc bởi lẽ:
Anh Trình Khai “ khuya hôm xảy ra vụ việc, ngay sau khi bắt K., vì không biết số công an xã nên anh có gọi điện thoại cho ông Luyến trưởng ấp để báo vụ việc. Trình gọi đến ba lần nhưng ông Luyến không nghe máy. Mặt khác lời khai của anh Trình phù hợp với lời khai của Trưởng ấp Ông Lê Nguyên Luyến “cái đêm xảy ra vụ việc, ông tắt chuông điện thoại nên không biết anh Trình gọi. “Đến khoảng 4 giờ 40 phút tôi mới phát hiện có nhiều cuộc gọi nhỡ trước đó. Tôi cũng đã kể lại chi tiết này cho mấy anh công an. Vụ việc cũng đã lỡ rồi, tôi rất mong các ban, ngành xem xét cho hoàn cảnh của anh Trình. Nếu đêm đó tôi bắt máy, chắc đã không có chuyện đau lòng như bây giờ”.
Mặt khác, theo lời khai của những người dân ở đây khai: “Địa bàn ấp Phú Bình là cù lao ngăn cách với bên ngoài, dù tại đây có trụ sở ấp nhưng ban đêm trụ sở này không có người. Muốn tới trụ sở UBND xã (Vĩnh Bình) thì phải đi một quãng đường dài khoảng 5 km, qua một chuyến phà ngang sông lớn. Thời gian từ 2 giờ khuy đến 4 giờ sáng phà không hoạt động, chỉ ai biết số điện thoại của chủ phà mới gọi, mà họa hoằn lắm, chẳng hạn phải đi cấp cứu, người ta mới dậy chở”. Như vậy câu hỏi đặt ra “Giữa đêm hôm khuya khoắt, liệu có ai dám giải ngay tên trộm đến xã với điều kiện qua sông, qua phà như thế hay không?”. Chính vì những điều kiện nêu trên buộc anh Trình phải giữ tên trộm lại để chờ đến sáng giải lên công an làm việc.
Như vậy, kết hợp về lời khai, không gian, thời gian, yếu tố về mặt khách quan thì đây chính là yếu tố ngăn cản việc cha con anh Trình dẫn giải tên trộm đến trụ sở UBND xã để giải quyết, đồng nghĩa với việc không có đủ yếu tố về mặt khách quan để cấu thành tội phạm.
Thứ hai: Thế nào là giữ người trái pháp luật.
Giữ người trái pháp luật là hành vi giữ người không đúng quy định của pháp luật, giữ người không có lệnh của người có thẩm quyền, giữ quá hạn, không thuộc những trường hợp tạm giữ.
Như đã phân tích ở trên việc giữ cha con anh Trình sau khi bắt xong tên trộm và giữ lại chờ đến 4h30 mới đưa lên cơ quan Công an xã Vĩnh Bình để giải quyết không thể cấu thành Hành vi giữ người trái pháp luật bởi lẽ :
Hành vi trộm cắp của K đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu của người dân được pháp luật hình sự, dân sự bảo vệ. Bất cứ ai xâm phạm đến tài sản của chủ sở hữu cũng có quyền ngăn chặn bằng các hình thức và cách thức khác nhau có thể là đánh, đuổi, bắt, giữ. Trong vụ việc này khi phát hiện hành vi của K thì anh Trình đã bắt và giữ lại. Hành vi bắt thì đã được phân tích ở trên, còn hành vi giữ thì sao? Mục đích giữ để làm gì? Thời gian, không gian được báo chí đưa tin là lúc gần 2h sáng, khoảng cách từ ấp Phú Bình là cù lao ngăn cách với bên ngoài bằng một con sông đến 5km. Thời điểm này anh Bình không thể dẫn tên trộm đến UBND xã được mà buộc anh phải giữ lại – đây là yếu tố về mặt khách quan nên vẫn đề lỗi không đặt ra ở đây vì thế việc anh Trình giữ tên trộm lại không có hành vi trái pháp luật.
Tóm lại, hành vi bắt, giữ người của anh Trình không cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự.